'Tiên học lễ,àynhàgiáoViệtNamNhữngngườidễbịlãngquêbạc hậu học văn'. Dù không trực tiếp dạy con chữ cho học sinh nhưng bảo mẫu cũng là một nghề lặng thầm, nhiều vất vả, uốn nắn cho học sinh cách hành xử, lễ phép, giao tiếp…
Rơi nước mắt vì học trò ngỗ nghịch
Theo nghề vì có tình yêu dành cho trẻ con, cô Phạm Thị Linh Phương (bảo mẫu Trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q.6, TP.HCM) đã có 5 năm gắn bó với công việc.
Cô chia sẻ cũng mong ước được trở thành giáo viên nhưng với công việc bảo mẫu như hiện tại vẫn có thể dạy các em thực hành, rèn luyện nề nếp sinh hoạt, nhân cách trong hành trình trưởng thành.
Háo hức đến với công việc nhưng trong năm đầu tiên, cô Linh Phương cho hay, đã đối diện với nhiều thử thách.
"Năm đầu tiên tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía như phụ huynh, học sinh và gia đình. Tôi như tờ giấy trắng không biết viết chữ gì vào trang đầu tiên của quyển tập, nhiều khi mất ăn, mất ngủ. Nhưng tôi may mắn gặp được chị đồng nghiệp và chị phụ huynh luôn động viên, an ủi nên cố gắng vượt qua mọi khó khăn", cô Phương cho biết.
Nhưng áp lực chưa dừng lại, khi đó cô Phương cũng đã gặp một em học trò không ngoan, nhiều lần khiến cô rơi nước mắt.
"Năm tôi giữ, bé ấy học lớp 4 trong một lớp 45 em. Bé luôn trả treo, rất hống hách và làm đủ trò nghịch. Chiếc muỗng dài inox để học sinh ăn cơm, không biết làm cách nào, bé bẻ cong lại rồi gõ bàn ghế ầm lên trong lúc ăn. Có hôm bé chơi nghịch đá vào bụng bạn. Lúc ấy tôi mới đến trường nên chưa có kinh nghiệm hay biết cách xử lý tình huống. Nhưng tôi không thể vì một bạn mà bỏ 44 bạn còn lại, tôi có nhờ ban giám hiệu hỗ trợ, dùng lời ngọt để thuyết phục, có hôm bé nghe, có hôm không", cô Phương nhớ lại.
Sang năm tiếp theo, tuy vẫn học ở trường nhưng đến ngày 20.11, em học sinh ấy đã không đến chào cô Phương.
"Năm thứ 3 tôi dạy ở trường cũng là lúc bé học lớp 6, bé lại về trường tìm tôi và chúc mừng 20.11. Bé có nói con xin lỗi cô vì trước kia con đã làm cô buồn và tôi đã không cầm được nước mắt. Em đã thay đổi, rất ngoan và lễ phép. Tôi không ngờ một em học sinh từng nghịch ngợm nổi trội của lớp lại có ngày hiểu chuyện như vậy", cô xúc động kể lại.
"Trồng cây lành, cho quả ngọt"
Chứng kiến sự chững chạc của cậu học trò ngỗ nghịch ngày nào, cô Phương đã tâm sự với phụ huynh của em. Phụ huynh ấy nói: "Phương à, vậy là em đã thành công rồi đó. Chị chúc mừng em! Em trồng cây lành và giờ đã cho quả ngọt…" Cô cho biết, bản thân rất cảm động và hạnh phúc, mong em học trò ấy luôn vui khỏe, chăm học, là con ngoan trò giỏi.
Mỗi một năm là mỗi bài học kinh nghiệm cô Phương tích lũy cho mình trong hành trình dạy dỗ học sinh. Cô chia sẻ, từ em học sinh "cá biệt" ấy mà bản thân có thêm sự tự tin, học hỏi được nhiều điều để hoàn thành công việc tốt hơn.
Từng được thầy cô động viên, dìu dắt khi rơi vào khó khăn thời THPT, theo cô Linh Phương, bản thân được như ngày hôm nay cũng nhờ công lao của những giáo viên tận tụy ngày trước. Với công việc bảo mẫu hiện tại, cô luôn mong muốn các em chăm ngoan, lễ phép, học tập thật tốt, không nuông chiều nhưng sẽ dùng tình yêu thương để bảo ban, dẫn dắt học sinh.
Cô bộc bạch, giáo viên thường nhận được sự tôn trọng, tôn vinh của phụ huynh còn bảo mẫu thì ít khi được sự đồng hành, chia sẻ.
"Nhưng yêu trẻ con, tôi nghĩ nên thoáng chút. Tôi chỉ hy vọng cô nào đã chọn công việc bảo mẫu, xin hãy đặt chữ tâm với nghề và mở rộng vòng tay yêu thương để dạy dỗ các em. Hãy luôn trân quý sự cảm thông, chia sẻ của phụ huynh và hãy yêu trẻ bằng cái tâm thật sự để cảm nhận các bé luôn đáng yêu, đáng được trân trọng và giáo dục tốt. Tôi luôn biết ơn sự quan tâm của phụ huynh cũng như cảm ơn các học trò vì các em là niềm hạnh phúc ngọt ngào của ba mẹ và thầy cô", cô Phương giãi bày.
Những giáo viên âm thầm ngoài bục giảng
Mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11, chứng kiến thầy cô được phụ huynh, học sinh quan tâm và chúc mừng, tôi lại nghĩ tới những người đang âm thầm ngoài bục giảng: bảo mẫu, nhân viên thư viện, y tế, lao công, bảo vệ…
Dù họ không phải là người trực tiếp đứng trên bục giảng để dạy học trò nhưng họ cũng đã, đang và sẽ góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà.
Một số người gắn với môi trường giáo dục hàng chục năm nhưng chưa một lần nhận được một bó hoa, một lời chúc nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 bởi lẽ họ không phải là… thầy cô trên bục giảng. Tôi nghĩ rằng nhiều người cũng chạnh lòng mỗi dịp đặc biệt này.
Vì thế, tôi nghĩ rằng, bên cạnh thầy cô, chúng ta cần tri ân những người âm thầm ngoài bục giảng. Một lời chúc hay lớn lao hơn là một bông hoa, một món quà nho nhỏ dành tặng cho họ thì ít nhiều trái tim họ cũng được sưởi ấm trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.
Gần đây, một người bạn kể với tôi về kế hoạch tặng quà cho bảo vệ và lao công trong trường con anh đang học. Nghe thế, con trai nói: "Tặng cô giáo chứ ba. Sao lại tặng các bác bảo vệ?".
Người cha đã phải giải thích vì sao lại tặng quà cho bác bảo vệ, cô lao công. Cuối cùng, con trai hiểu và thích thú vô cùng.
Đây có thể được xem là bài học quý giúp con trẻ biết tri ân những con người thầm lặng, những người lao động bằng chân tay đang góp phần xây dựng ngôi trường sạch đẹp, bình yên.
Một số người thân, bạn bè cũng thắc mắc vì sao người bạn muốn tặng quà cho bảo vệ, cô lao công ở trường. Điều đó cũng dễ hiểu vì từ xưa đến nay, 20.11 được mặc định dành riêng cho phụ huynh, học sinh tri ân thầy cô.
Tuy nhiên, phụ huynh này có suy nghĩ khác, anh quan niệm rằng tất cả người lao động trong một trường học, từ bác bảo vệ, cô lao công cho đến giáo viên, hiệu trưởng đều cống hiến cho trường.
Hãy trân trọng tất cả những người đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Hãy dạy trẻ biết tri ân những người thầm lặng bên ta.